Lịch sử Sơn_Tây_(thị_xã)

Nguồn gốc thị xã Sơn Tây

  • Bản đồ thành Sơn Tây năm 1883
  • Bản đồ thành cổ Sơn Tây và các làng cổ quanh thành
  • Các món ăn truyền thống ở Sơn Tây

Theo thư tịch cổ thì tên Sơn Tây xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1469, đó là trấn sở Sơn Tây đóng ở xã La Phẩm, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai (nay thuộc, Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội), thời đó gọi là Sơn Tây Thừa Tuyên. Đến thời Lê Cảnh Hưng do bị ngập lụt, nước làm lở thành, trấn sở được dời về xã Mông Phụ, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Đường Lâm).[2]

Theo Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu thì: "Năm Minh Mệnh thứ 12 (1832), chia hạt gọi là tỉnh Sơn Tây. (Đặt chức Sơn Hưng Tuyên Tổng đốc, cai trị các hạt Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang; tỉnh lỵ trước ở xã Cam Giá (làng Mía) huyện Phúc Thọ, năm Minh Mệnh thứ 3 dời đến xã Thuần Nghệ, huyện Minh Nghĩa (nay (tức năm 1890) là huyện Tòng Thiện))."[3]

Phần đất thị xã Sơn Tây ngày nay vào đầu thế kỷ 19 tương ứng thuộc đất các tổng Cam Giá Thịnh (các làng xã: Cam Giá Thịnh (tức Cam Thịnh hay Yên Thịnh), Yên Mỹ, Cam Tuyền (Cam Lâm), Đông Sàng, Mông Phụ, Giáp Đoài Thượng (Đoài Giáp), Phú Nhi (Phú Nhi, Phú Mai, Phú Hậu), Tân Hội (Hà Tân),..), tổng Phù Sa (làng Phù Sa, Tiền Huân, Thiều Xuân,...),... của huyện Phúc Lộc (Phúc Thọ) phủ Quảng Oai và tổng Thanh Vị (các làng xã: Sơn Lộc, Vị Thủy, Thanh Vi, Tây Vị, Nghĩa Đảm (Nghĩa Phủ), Vân Gia, Thanh Trì, Kính Mỗ (Ái Mỗ), Khê Trai, Đạm Trai (Mai Trai), Thuần Nghệ,... của huyện Minh Nghĩa phủ Quảng Oai; các làng xã Sơn Đông, Triều Đông (Cổ Đông),... tổng Tường Phiêu huyện Thạch Thất phủ Quốc Oai.[4]

Năm 1831, Minh Mạng cải cách hành chính, giải thể Bắc Thành, đổi các trấn thành tỉnh, trấn Sơn Tây đổi thành tỉnh Sơn Tây. Thành trấn Sơn Tây cũ trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Sơn Tây.

Năm 1883 thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội lần thứ 2, ép triều đình Huế ký hiệp ước Quý Mùi (Harmand) vào ngày 25 tháng 8 năm 1883. Kháng lệnh triệt binh của triều đình, Bố Chính Sơn Tây Nguyễn Văn Giáp vẫn cầm quân anh dũng giữ thành. Giặc Pháp huy động quân tổng lực tầu chiến từ Sông Hồng, nhiều đại bác quyết chiếm thành Sơn Tây. Để bảo toàn lực lượng, quân ta rút ra ngoài thành (ngày 16 tháng 12 năm 1883) tập hợp và phát triển lực lượng thành cuộc khởi nghĩa Tây Bắc anh dũng, rộng khắp do Nguyễn Quang Bích và Nguyễn Văn Giáp lãnh đạo kéo dài nhiều năm sau. Từ đó thành Sơn Tây lọt vào tay thực dân Pháp.

Sau khi ổn định chính quyền cai trị tại Việt Nam, năm 1884, thực dân Pháp thành lập thị xã Sơn Tây để làm thủ phủ của tỉnh Sơn Tây mới với các ranh giới phía tây, phía bắc và phía đông của tỉnh Sơn Tây là sông Đà, sông Hồngsông Đáy.

Đầu thế kỷ 20 (khoảng năm 1924), phần đất thị xã Sơn Tây ngày nay thuộc các tổng Cam Giá Thịnh (các xã Cam Giá Thịnh, Cam Lâm, Đoài Giáp, Đông Sàng, Mông Phụ, Phú Nhi, Yên Thịnh) và Phù Sa (các xã Phù Sa, Thiều Xuân, Tiền Huân) của huyện Phúc Thọ, các tổng Thanh Vị[5] (các xã Ái Mỗ, Bảo vệ, Yên Vệ, Đạm Trai, Mai Trai, Nghĩa Phủ, Thuần Nghệ, Thanh Trì, Thanh Vị, Tây Vị, Vị Thủy, Sơn Lộc), Nhân Lý (xã Xuân Khanh), Tường Phiêu (Sơn Đông, Sơn Trung,..) của huyện Tùng Thiện, (Phúc Thọ và Tùng Thiện là các huyện của phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây Bắc Kỳ thuộc Pháp).

Thời kỳ Cộng hòa (1945 đến nay)

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, thị xã Sơn Tây là tỉnh lỵ của tỉnh Sơn Tây.

Ngày 21 tháng 4 năm 1965 tỉnh Sơn Tây nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây[6]. Thị xã Sơn Tây từ đó không còn vai trò tỉnh lỵ, mà thay vào đó là thị xã Hà Đông.

Ngày 16 tháng 10 năm 1972, chuyển xã Trung Hưng thuộc huyện Ba Vì về thị xã Sơn Tây quản lý.[7]

Ngày 27 tháng 12 năm 1975, thị xã Sơn Tây trực thuộc tỉnh Hà Sơn Bình,[8] gồm 3 phường: Lê Lợi, Ngô Quyền, Quang Trung và 2 xã: Trung Hưng, Viên Sơn.

Ngày 29 tháng 12 năm 1978, thị xã Sơn Tây trực thuộc thành phố Hà Nội.[9]

Ngày 2 tháng 6 năm 1982, chuyển 7 xã: Thanh Mỹ, Kim Sơn, Xuân Sơn, Trung Sơn Trầm, Đường Lâm, Sơn Đông, Cổ Đông thuộc huyện Ba Vì về thị xã Sơn Tây quản lý.[10]

Ngày 14 tháng 3 năm 1984, thành lập 2 phường Sơn Lộc (tách ra từ xã Trung Hưng và xã Trung Sơn Trầm) và Xuân Khanh (tách ra từ xã Xuân Sơn và xã Thanh Mỹ.[11]

Ngày 12 tháng 8 năm 1991, thị xã lại trở về tỉnh Hà Tây.[12]

Ngày 9 tháng 11 năm 2000, thành lập phường Phú Thịnh tách ra từ xã Viên Sơn.[13]

Thị xã Sơn Tây được công nhận là đô thị loại III ngày 30 tháng 5 năm 2006 và đã được thủ tướng chính phủ ký quyết định nâng cấp lên thành phố Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây ngày 2 tháng 8 năm 2007.[14]

Ngày 1 tháng 3 năm 2008, chuyển 3 xã Trung Hưng, Trung Sơn Trầm và Viên Sơn thành 3 phường tương ứng là phường Trung Hưng, Trung Sơn Trầm và Viên Sơn.[15]

Từ đó, thành phố Sơn Tây có 9 phường: Lê Lợi, Ngô Quyền, Phú Thịnh, Quang Trung, Sơn Lộc, Trung Hưng, Trung Sơn Trầm, Viên Sơn, Xuân Khanh và 6 xã: Cổ Đông, Đường Lâm, Kim Sơn, Sơn Đông, Thanh Mỹ, Xuân Sơn.

Ngày 1 tháng 8 năm 2008, cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, thành phố Sơn Tây được nhập về thủ đô Hà Nội.[16]

Ngày 8 tháng 5 năm 2009, Chính phủ ra nghị quyết chuyển thành phố Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây trực thuộc thành phố Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sơn_Tây_(thị_xã) http://id.loc.gov/authorities/names/n2001057519 http://vi.wikisource.org/wiki/Ngh%E1%BB%8B_quy%E1%... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://www.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=578,333... http://sontay.hanoi.gov.vn/ http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/... http://ibst.vn/DATA/nhyen/QCVN%2002-2009%20BXD%20S... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d...